Nông sản Hải Dương đón cơ hội từ EVFTA

Những ưu đãi từ EVFTA sẽ tạo cơ hội giúp nông sản Hải Dương vào thị trường lớn nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ hơn.

Công ty TNHH Hoa Mai chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định phục vụ xuất khẩu

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Hải Dương nâng cao giá trị. Các cấp, các ngành và doanh nghiệp đang tích cực, khẩn trương thực hiện các giải pháp để nắm bắt thời cơ này.


Khả quan

Công ty CP Ameii Việt Nam (Thanh Hà) là một trong số ít doanh nghiệp đưa nông sản Hải Dương tiếp cận với thị trường EU. Năm 2020, gần 5 tấn nhãn, vải của tỉnh được công ty xuất sang Công hòa Séc bằng đường hàng không rồi vận chuyển một phần sang chào hàng tại Ý. Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc công ty, thời điểm đơn vị xuất khẩu vải quả, EVFTA chưa có hiệu lực như lúc đưa nhãn sang nên có thể dễ dàng thấy được những thuận lợi mà EVFTA mang lại. Với việc cắt giảm thuế về 0%, doanh nghiệp không phải đắn đo, tính toán nhiều về bài toán hiệu quả kinh doanh. Thời gian tới, doanh nghiệp coi châu Âu là thị trường chiến lược, trọng tâm trong định hướng kinh doanh. Ngoài hàng không, công ty đang nghiên cứu biện pháp bảo quản hữu hiệu để xuất nông sản sang EU bằng đường biển, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng khối lượng.

Trước những ưu đãi từ EVFTA, Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương (Cẩm Giàng) đã gửi sản phẩm sang một số nước châu Âu để thăm dò thị trường. Theo ông Nguyễn Đức Mệnh, đại diện công ty, thế mạnh của doanh nghiệp là sơ chế, chế biến các loại rau như cà rốt, cải bắp, su lơ... xuất khẩu sang những thị trường truyền thống là Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. Mỗi năm, công ty xuất khoảng 10.000 tấn nông sản sang các nước này. Một trong những bất lợi của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước là thường lép vế trước doanh nghiệp nước ngoài, nhất là của Trung Quốc. Vì thế, các công ty thường rất thận trọng xuất khẩu để hạn chế rủi ro. Nếu tìm kiếm được cơ hội từ thị trường EU, công ty sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Điều này không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mà còn giúp nông sản tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. “Với tiềm lực hiện có, chúng tôi tự tin có thể đáp ứng được yêu cầu từ phía đối tác EU. Những mặt hàng mà chúng tôi gửi sang châu Âu chào hàng đều nhận được phản hồi tốt. Vậy nên doanh nghiệp rất kỳ vọng vào thị trường có mức tiêu thụ nông sản lớn này", ông Mệnh thông tin.

Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang châu Âu để hưởng ưu đãi từ EVFTA

Sẵn sàng

EVFTA khiến điều kiện thông thương của nông sản sang các nước EU thông thoáng hơn nhưng những quy chuẩn về chất lượng sản phẩm rất nghiêm ngặt. EVFTA chỉ có nhiệm vụ "mở đường", còn nông sản Hải Dương có chiếm lĩnh được trời Âu hay không phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách), từ trước đến nay có một vấn đề khá “đau đầu” với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản là không có vùng nguyên liệu ổn định. Để có nông sản bảo đảm yêu cầu xuất khẩu, nhiều công ty phải thu gom lẻ tẻ từ người dân, sau đó chọn lọc nên tốn nhiều thời gian, công sức. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp dù nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu song không dám nhận lời vì sợ phải đền bù hợp đồng do không cung cấp đủ lượng hàng. Điểm chung của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh là chỉ làm việc quen với đối tác châu Á, còn thị trường EU vẫn mới mẻ. Do vậy, để không bị "mất điểm" trước khách hàng mới, các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ lưỡng quy định, điều kiện xuất khẩu sang các nước EU.

 Hải Dương là tỉnh có nhiều nông sản có thế mạnh về xuất khẩu như vải, nhãn, ổi, chuối, rau vụ đông... Thực tế, nông sản của tỉnh đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính nhưng số lượng còn ít, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có. Trước tình trạng này cũng như đón đầu cơ hội từ EVFTA, năm 2021, tỉnh xây dựng vùng nông sản xuất khẩu rộng 1.100 ha, bao gồm 520 ha vải, nhãn, ổi và 580 ha rau màu. Điều này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc nắm bắt cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính nhưng nhiều ưu đãi và giá trị cao. Hải Dương đã sẵn sàng cho những kế hoạch xuất khẩu nông sản chủ động, bài bản. Tạo dựng vùng nguyên liệu ổn định, dồi dào là nền tảng để tỉnh mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và xuất khẩu nông sản sang bất kỳ thị trường khó tính nào. Bước chuẩn bị này cho thấy Hải Dương sẵn sàng đón cơ hội từ EVFTA, sẵn sàng thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức sản xuất để có sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường EU. 

Ngày 1.8.2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sâu rộng, toàn diện và cơ chế thực thi chặt chẽ. Nông nghiệp là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA với nhiều mặt hàng giảm thuế về 0% như gạo, cà phê, điều... EU cũng cam kết xóa bỏ thuế với mặt hàng rau củ quả. Đối với thủy sản, khoảng 50% dòng thuế được xóa bỏ, 50% còn lại sẽ được xóa bỏ trong 5-7 năm tới. Ngược lại, Việt Nam cam kết mở cửa hạn chế đối với nhóm sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ EU. Loại bỏ thuế theo lộ trình từ 7-10 năm đối với thịt bò, lợn, gà tươi và đông lạnh. Với mức bảo hộ này, tác động của EVFTA với ngành chăn nuôi Việt Nam không quá đột ngột khi có khoảng thời gian tương đối dài để thích nghi và nâng cao khả năng cạnh tranh.

 


Tin khác

Tỉnh Hải Dương giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tại Hội chợ Vietnam Expo 2023

Tỉnh Hải Dương giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tại Hội chợ Vietnam Expo 2023 05-04-2023 / * Tin tức - Sự kiện

Tại hội chợ, tỉnh Hải Dương có 2 gian hàng với hơn 20 sản phẩm do Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức, tham gia. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm tiêu biểu.

Ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 27-02-2023 / * Tin tức - Sự kiện

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Sở Công Thương đề xuất hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn xuống cấp

Sở Công Thương đề xuất hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn xuống cấp 07-09-2023 / * Tin tức - Sự kiện

Trên cơ sở đề xuất của Sở Công Thương, UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất chủ trương cho phép xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng chợ hạng 3 tại nông thôn.

Tăng cường tuyên truyển, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Tăng cường tuyên truyển, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hải Dương 25-01-2024 / * Tin tức - Sự kiện

Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai thực hiện các nội dung liên quan.

Một số điểm mới trong Nghị định số 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

Một số điểm mới trong Nghị định số 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu 22-11-2023 / * Tin tức - Sự kiện

Ngày 17/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.