Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc, đặc biệt thông qua việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ngày 19 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện và triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do. Theo đó, đến nay nước ta đã ký kết và đang thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Chỉ thị đánh giá việc thực thi các FTA đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và quá trình hiện đại hóa đất nước, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam; giúp nước ta tham gia sâu vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu; nâng cao giá trị các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; cơ cấu kinh tế được chuyển đổi theo hướng tích cực; môi trường kinh doanh được cải thiện theo hướng đơn giản, minh bạch và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng lên; tranh thủ được nguồn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý...
Bên cạnh những kết quả tích cực, Chỉ thị cũng đánh giá việc thực thi các FTA trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Việc nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt của các doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ và thống nhất; công tác phối hợp triển khai chưa nhịp nhàng, chặt chẽ; chưa thực hiện hiệu quả việc phổ biến thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai các FTA nhằm tận dụng các cơ hội và đối phó với các thách thức của việc tham gia các FTA; việc nội luật hóa để thực hiện các cam kết, cũng như sự chuẩn bị trong nước, nhất là với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn chậm và thiếu chủ động.
Để tiếp tục thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới mà nước ta sẽ tham gia trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần triển khai trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tích cực chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Rà soát định kỳ, đảm bảo thực thi nghiêm túc các FTA; đánh giá kịp thời các vấn đề phát sinh và kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết FTA và việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ, doanh nghiệp, người dân khai thác hiệu quả các FTA.
Hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ dành nguồn lực và ưu tiên thỏa đáng cho việc thực thi các FTA, hỗ trợ các bên liên quan khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo cơ chế một cửa nhằm cải cách công tác cấp các loại giấy phép liên quan tới doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm các chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan để thực hiện đầy đủ các cam kết FTA theo lộ trình đã đề ra. Thường xuyên, kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ các quy định không phù hợp với các cam kết FTA nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam là thành viên. Xây dựng chính sách và cụ thể hóa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các FTA, phù hợp với các giải pháp nêu tại Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Chủ động phổ biến, tuyên truyền; nắm bắt sự quan tâm, mức độ sẵn sàng và năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA đã ký kết nói riêng, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ các FTA, cách thức tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài.
Chủ động nắm bắt sự quan tâm, mức độ sẵn sàng và năng lực sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp địa phương để giúp định hướng, tranh thủ tận dụng các FTA; chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương; cung cấp các linh kiện, phụ kiện và tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong các FTA; chủ động đề xuất các yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ từ Trung ương.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác, kể cả việc đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả, thực chất các thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại cấp địa phương với các nước đối tác FTA; tham gia các chương trình hợp tác tiểu vùng./.
Nguồn Bài: Bùi Văn An (TH)