Ngày 19/3/2018, Sở Công Thương Hải Dương ra Công văn số 366/SCT-QLTM gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh về yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm trực tiếp cho nhân dân tại các địa phương trong tỉnh.
Trong thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có triển khai, tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu, tư vấn sử dụng sản phẩm hàng hóa, nhất là đồ gia dụng tại các địa phương trong tỉnh. Đây là hoạt động được Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phép thực hiện; góp phần gia tăng lượng thông tin, quảng bá sản phẩm của Việt Nam trực tiếp đến người tiêu dùng; hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, còn một số doanh nghiệp bán hàng chưa chấp hành đúng quy định như thường lợi dụng tổ chức giới thiệu hàng hóa tại Nhà văn hóa các thôn, khu dân cư; thông qua cán bộ cơ sở nhằm tạo niềm tin với dân, giúp hỗ trợ tổ chức mời dân đến dự, hứa tặng quà.v.v. Khi giới thiệu sản phẩm trước nhân dân, doanh nghiệp đưa ra sản phẩm có nhãn hiệu mới với nhiều công dụng tiện ích, chất lượng tốt; tuy nhiên khi người dân nộp tiền đặt cọc để mua hàng, doanh nghiệp hẹn lịch giao hàng trong thời gian rất ngắn và khi giao hàng lại đưa cho người nộp tiền đặt cọc sản phẩm không đúng chất lượng như hàng đã giới thiệu. Ngoài ra doanh nghiệp bán hàng còn không thực hiện chế độ bảo hành sản phẩm cho người tiêu dùng; nhiều người đã đặt tiền mua nhưng không nhận hàng sẽ bị trừ một phần tiền đặt cọc.v.v. đặt người mua hàng vào vị thế bất lợi, thua thiệt.
Trước những diễn biến phức tạp đó, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, cụ thể như sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các làng, khu dân cư để nhân dân nâng cao nhận thức bảo vệ quyền lợi của mình; tìm hiểu kỹ về chất lượng, công dụng sản phẩm; yêu cầu các doanh nghiệp giới thiệu và bán sản phẩm phải chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa; xuất hóa đơn hợp pháp khi bán hàng và thực hiện chế độ bảo hành sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Các địa phương cần quan tâm phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động mua bán, giới thiệu hàng hóa tại địa phương mình; chỉ đạo các thôn, khu dân cư nêu cao tinh thần cảnh giác, không trực tiếp thông tin, giúp mời nhân dân đến nghe tư vấn giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát các hoạt động mua bán, giới thiệu hàng hóa tại địa phương; kịp thời phản ánh tới các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm (nếu có).
2. Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, bán sản phẩm trực tiếp cho nhân dân tại các địa phương; giám sát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại địa phương chấp hành nghiêm túc chế độ bảo hành sản phẩm, xuất hóa đơn hợp pháp khi bán hàng cho nhân dân.
Kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm trực tiếp cho nhân dân tại các địa phương, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới với các biện pháp quản lý hữu hiệu của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân, quản lý chặt chẽ hoạt động tư vấn, giới thiệu, bán sản phẩm trực tiếp của doanh nghiệp tại các địa phương nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong tỉnh./.
Nguồn Bài: (Nguyễn Văn Quang, Phòng QLTM)