Chiều ngày 30 tháng 5, Ban tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương tổ chức Hội nghị gặp gỡ các cơ quan thống tấn, báo chí và công bố thời gian tổ chức Lễ Hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018.
Ông Phạm Thanh Hải - Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội (Thường trực), Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương
Chủ trì Hội nghị, ông Phạm Thanh Hải - Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội (Thường trực), Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương thông báo về công tác chuẩn bị, kế hoạch tổ chức Lễ hội và giải đáp những câu hỏi của các phóng báo chí về công tác kết nối doanh nghiệp thu mua, chế biến vải quả xuất khẩu, hỗ trợ địa phương Thanh Hà và Chí Linh xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Thời gian qua Ban Tổ chức Lễ hội đã chủ động xây dựng các phương án, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Thanh Hà, thị xã Chí Linh, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực tham mưu UBND tỉnh để triển khai các nội dung thông tin, tuyên truyển, khánh tiết, hậu cần phục vụ Lễ hội để tổ chức thành công theo đúng kế hoạch.
Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn, số lượng các đoàn đại biểu khách mời ở Trung ương và các địa phương đông gồm các bộ, ngành Trung ương như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch….; 28 tỉnh, thành phố phía Bắc và các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ; 20 đoàn Đại biểu Quốc hội của một số tỉnh và thành phố. Lễ hội lần này nhằm mục đích tôn vinh giá trị quả vải thiều Thanh Hà, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá đặc sản vải thiều ngon nhất Việt Nam, giúp nâng cao nhận thức của người dân và khách tiêu dùng về việc bảo tồn, phát huy tinh hoa giá trị của đặc sản trái cây Việt tại thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó hướng tới việc tạo ra giá trị gia tăng cho quả vải ngay tại Việt Nam và tại các thị trường mới giàu tiềm năng trên thế giới.
Theo chương trình, Lễ hội sẽ khai mạc bắt đầu từ 8 giờ 00 phút gồm các hoạt động chính như: Văn nghệ chào mừng; phát biểu của lãnh đạo Trung ương và địa phương; hoạt động ký kết giao thương giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ sản xuất - siêu thị; thăm quan các gian hàng trưng bày, bán và giới thiệu vải thiều, nông sản, thực phẩm sạch của các huyện, thị xã và thành phố tỉnh Hải Dương, các xã của huyện Thanh Hà, sản phẩm của một số doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu tỉnh Hải Dương.
Buổi chiều, các đại biểu sẽ tham gia các hoạt động trải nghiệm vô cùng hấp dẫn như thăm các vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, khu vực trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Australia và EU; thăm cây vải tổ có tuổi đời gần 200 năm tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà; hái vải tại vườn vải huyện Thanh Hà hoặc thị xã Chí Linh (cùng chương trình tham quan khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc).
Lễ hội vải thiều là dịp để tôn vinh thương hiệu đặc sản vải thiều Thanh Hà, cây trồng đã mang lại thu nhập ổn định và đời sống ấm no cho hàng ngàn hộ dân trồng vải của các tỉnh, thành phía Bắc, vừa là cơ hội để các siêu thị, doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối hợp tác, tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất, kinh doanh vải thiều và hàng nông sản tại địa phương; đồng thời kinh doanh sản phẩm, dịch vụ tour tuyến du lịch giữa các đối tác tại khu du lịch sinh thái ven Sông Hương (huyện Thanh Hà) gắn với du lịch khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (tại thị xã Chí Linh).
Trả lời phỏng vấn báo chí, Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, năm 2018, diện tích trồng vải của tỉnh Hải Dương khoảng 10.500 ha, sản lượng dự kiến đạt 55.000 đến 60.000 tấn. Trong đó, trà vải sớm gồm các giống vải U trứng, Hang Son, U thâm, vải lai Thanh Hà có sản lượng khoảng 20.000 tấn (chủ yếu tại Thanh Hà). Thời gian thu hoạch từ 15/5 đến đầu tháng 6. Chà vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 5 tháng 6 đến đầu tháng 7, dự kiến sản lượng đạt từ 35.000 - 40.000 tấn (tại Thanh Hà khoảng 20.000 tấn và tại Chí Linh khoảng 15.000 tấn).
Hiện nay vải được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap là 334 ha, tại 20 cơ sở, sản lượng dự kiến 3.500 tấn (Thanh Hà 14 cơ sở; Chí Linh 6 cơ sở). Năm 2018 vải sớm và vải thiều Thanh Hà đã được UBND huyện hỗ trợ 25 UBND xã, thị trấn, đơn vị HTX dán tem QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và bán tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước.
Ngoài ra tỉnh Hải Dương còn có khoảng 8.000ha vải được sản xuất theo hướng GAP (nông dân được tập huấn, hướng dẫn và sản xuất theo quy trình VietGAP) với sản lượng dự kiến khoảng 50.000 tấn.
Tại huyện Thanh Hà và Chí Linh, có 13 vùng trồng vải được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, tổng diện tích 131.68 ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Úc, EU. Trong đó, huyện Thanh Hà có 9 vùng, diện tích 92,68 ha (20,24 ha vải sớm, 72,44 ha vải thiều); Chí Linh có 4 vùng với diện tích 39 ha vải thiều.
Tại Hội nghị, phóng viên Vnexpress cho biết những ngày qua có nhận được nhiều thông tin từ các doanh nghiệp thu mua vải cho rằng việc vận chuyển vải quả và hàng nông sản tại tỉnh Hải Dương và Hưng Yên chưa được thuận lợi do cảnh sát giao thông địa phương “quan tâm quá chu đáo” đến lái xe trong việc xử phạt vi phạm các lỗi chở hàng quá tải, lái xe đè vạch… thay vì nên tạo điều kiện cho các xe tải thu mua vải quả của nông dân được thuận lợi và nhanh chóng. Vì vậy, để thu hút được nhiều đối tác đến thu mua vải quả được thuận lợi, giảm thời gian dừng đỗ trên đường do bị cảnh sát giao thông kiểm tra; UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh và Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát phù hợp, qua đó thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, siêu thị và thương nhân từ các địa phương khác tới Hải Dương thu mua vải quả và hàng nông sản ./.
Vải thiều Thanh Hà - Hải Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2007.
Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt top 50 sản phẩm uy tín chất lượng do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn.
Năm 2013, vải thiều Thanh Hà - Hải Dương đạt Top 10 thương hiệu nổi tiếng do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn và đạt top 10 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền người tiêu dùng Việt Nam bình chọn.
Năm 2014, vải thiều Thanh Hà được bình chọn “Tinh hoa đặc sản 3 miền”, Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng.
Năm 2015, vải thiều Thanh Hà - Hải Dương được vinh danh Top đầu với 02 giải thưởng “Thương hiệu vàng”, “Logo và Slogan ấn tượng”.
Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu thực phẩm an toàn tin dùng”.
Cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận “Cây vải thiều lâu năm nhất”.
Năm 2018, vải Thanh Hà đã được UBND huyện hỗ trợ 25 UBND xã, thị trấn, đơn vị HTX dán tem QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và bán tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước.
|
Nguồn Bài: V.H.Hưng
|