Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu.
Chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu
Sáng ngày 29/5, tại thành phố Hải Dương đã diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu hình ảnh các sản phẩm tiêu biểu Hải Dương nói chung và đặc sản vải thiều nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng, sản lượng cao. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.
Hàng năm, sản xuất được khoảng 750 ngàn tấn lúa gạo, 700 ngàn tấn rau, củ các loại, 300 ngàn tấn quả và khoảng 200 ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Chương trình OCOP đã tổ chức đánh giá và công nhận cho 126 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao và 2 sản phẩm đề nghị 5 sao, dự kiến đến năm 2025 có thêm 250-300 sản phẩm được công nhận.
Đặc biệt, tỉnh Hải Dương có sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm thị trường luôn được tỉnh Hải Dương quan tâm thực hiện.
Những năm vừa qua, thông qua hoạt động này, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Thái Lan...
Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022 |
“Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhờ có sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, các tổ chức thương mại, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, công tác xúc tiến, tiêu thụ quả vải thiều đã đạt được kết quả đáng khích lệ: Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020” - ông Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, mặc dù Hải Dương là một tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp và đang phấn đấu để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.
Riêng đối với cây vải, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được rất nhiều người biết đến, ca ngợi và được nhiều hiệp hội bình chọn, vinh danh là “Tinh hoa đặc sản ba miền”, Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng và các giải thưởng uy tín khác trong nhiều năm. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà cũng đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2007.
Thời gian qua, Hải Dương đã quan tâm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa tại các thành phố lớn, các địa phương có cửa khẩu biên giới cũng như mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do.
Cùng với nỗ lực của địa phương, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực cùng các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường.
Trong các giải pháp này, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa các sản phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ vải thiều và sản phẩm nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử |
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương tích cực quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp khác” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định tại hội nghị.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường lớn quan trọng như EU, Singapore, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…triển khai các hoạt động thiết thực để hỗ trợ hiệu quả địa phương và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước. Tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện phổ biến tuyền truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ba giải pháp căn cơ cho tiêu thụ vải thiều và nông sản
Dù việc tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương niên vụ năm 2022 theo nhận định có tín hiệu tốt, tuy nhiên do tình hình thị trường trong và ngoài nước (đặc biệt là thị trường Trung Quốc) còn diễn biến khó lường nên các cấp, các ngành của Hải Dương cần có cái nhìn tổng thể và chuẩn bị sẵn tâm thế, phương pháp, cách làm hiệu quả cho tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh.
Để vải thiều và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị tỉnh Hải Dương cần tập trung chỉ đạo tốt ba nội dung.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng các đại biểu tham quan gian hàng được trưng bày tại hội nghị |
Thứ nhất, chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại như giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kết nối doanh nghiệp sản xuất với các nhà bán lẻ, kênh siêu thị và nhà xuất khẩu.
Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường nhằm hỗ trợ định hướng sản xuất kinh doanh cho người dân và cho doanh nghiệp; xây dựng cơ cấu tổ chức thống nhất và mô hình hoạt động hiệu quả các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương; tăng cường kết nối hoạt động giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại với Cục Xúc tiến thương mại và giữa các trung tâm với nhau; đồng hành chia sẻ những khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu chất lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Thứ hai, hiện nay, dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước. Do đó, tỉnh Hải Dương cần bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Sáng sớm ngày 29/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và các đại biểu thăm quan vườn vải tại thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương |
Trong trường hợp xấu, hoạt động thu mua vải thiều và nông sản không thể tiến hành trực tiếp giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân do hạn chế về nhập cảnh, đi lại của các doanh nghiệp nước ngoài và quy định của nước nhập khẩu, tỉnh Hải Dương cần sớm chủ động, thực hiện song hành kết nối doanh nghiệp với các nhà thu mua trong nước, các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, xây dựng các phương án tổ chức các tuần hàng nông sản giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh, thành phố lớn trong nước.
Thứ ba, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương trong tỉnh, thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ, nhất là các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc để có hướng giải quyết phù hợp, kịp thời...
Ðồng thời, đẩy mạnh khâu chế biến, nhất là đối với sản phẩm vải quả để hạn chế thiệt hại. Còn về lâu dài, tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng để sẵn sàng đối mặt với mọi rủi ro có thể xảy ra. Không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản.
Nguồn bài: congthuong.vn
Tại hội chợ, tỉnh Hải Dương có 2 gian hàng với hơn 20 sản phẩm do Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức, tham gia. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm tiêu biểu.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Trên cơ sở đề xuất của Sở Công Thương, UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất chủ trương cho phép xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng chợ hạng 3 tại nông thôn.
Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai thực hiện các nội dung liên quan.
Ngày 17/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.